Vi khuẩn kháng thuốc, nước đã đến chân!



Ngày 28-9-1928, Alexander Fleming xứ Scotland phát hiện ra kháng sinh (KS) Penicilin, nhưng ông cũng dự đoán thế giới sẽ đối mặt với sự khủng khiếp khi KS trở nên vô dụng. Mới đây, người Anh cảnh báo từ năm 2050, thế giới sẽ có 10 triệu người chết hàng năm do "siêu" vi khuẩn kháng KS...

Tử vong và nguy kịch do vi khuẩn kháng thuốc

Ngày 7-12-2016, Báo Tri thức trẻ đưa tin chị Nguyễn Hải H. (21 tuổi, ở phố Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đang nuôi con nhỏ 5 tháng tuổi đã tử vong sau một tuần mắc bệnh. Ba ngày đầu chỉ là ho, sốt, “cảm cúm”, tự điều trị có cả truyền dịch không khỏi, chị đến bệnh viện (BV) Thanh Nhàn thuộc quận để khám.

Trong lúc chờ khám, chị bị ngất, được chuyển vào phòng cấp cứu, rồi đến BV Bạch Mai gần đó. BV Bạch Mai chẩn đoán xác định bệnh nhân nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng do “siêu” vi khuẩn kháng thuốc. Sau một tuần điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, đã sử dụng mọi phương pháp, biện pháp tốt nhất, mạnh tay nhất hiện có, với chi phí chạy chữa khoảng 300 triệu đồng nhưng chị H đã ra đi mãi mãi…!

Ngày 15-11-2016, BV Q. Thủ Đức, TP HCM, thông báo cứu sống bệnh nhi 19 ngày tuổi, nhiễm vi khuẩn kháng đa KS, cháu hiện ổn định, đang được theo dõi sát. Bệnh nhi nhập viện trước đó 2 ngày vì sốt, sau vài giờ chuyển sốt cao, khó thở rồi co giật từng cơn; được chẩn đoán nhiễm khuẩn máu, viêm màng não, sốc nhiễm trùng.

Sau hội chẩn với thành phố, do bệnh rất nặng, chuyển tuyến rất nguy hiểm, nên Khoa Hồi sức nhi – sơ sinh đã đặt nội khí quản, thở máy; chống co giật và rối loạn vận mạch; truyền máu, huyết tương, KS… Sau 36 giờ hồi sức tích cực, điều chỉnh KS, tình trạng cháu tạm ổn. Cấy dịch não tủy và máu xác định nhiễm một loại vi khuẩn kháng cả Vancomycin – một KS rất mạnh, dùng để trị vi khuẩn kháng đa thuốc.

BS Hồ Tấn Thanh Bình, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh – BV Nhi đồng TP HCM, người trực tiếp hội chẩn và theo dõi điều trị cho cháu nói: Đây là một trường hợp hiếm gặp bởi nhiễm khuẩn kháng thuốc từ cộng đồng, thêm một bằng chứng không thể chối cãi về hậu họa của việc dùng KS vô lối diễn ra đã từ lâu, tuyên truyền đã nhiều nhưng hầu như không có kết quả…

Cháu Nguyễn Văn Linh, 12 tuổi ở xã Phúc Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội, vào BV Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, rét run, mạch nhanh, hạ huyết áp, suy hô hấp, tổn thương phổi, khớp và cơ. Khoa Nhi – BV Bạch Mai chẩn đoán nhiễm khuẩn máu, biến chứng tràn khí và mủ màng phổi (gây khó thở). Phẫu thuật dẫn lưu mủ và khí từ khoang màng phổi ra ngoài được tiến hành tức khắc. Cấy máu xác định “thủ phạm” là vi khuẩn Tụ cầu vàng (Staphylococus areus) – loại vi khuẩn cư trú trên da người.

Bệnh nhi phải thở máy và đã dùng 2 trong số 3 loại KS diệt Tụ cầu hiện có nhưng không có kết quả, trong đó có loại Vancomycin thuộc thế hệ thứ 2, ít ghi nhận kháng thuốc. Tuy trên KS đồ không thấy kháng thuốc nhưng KS không tác dụng, nên các BS vẫn khẳng định Tụ cầu gây bệnh là chủng kháng thuốc và quyết định dùng KS thế hệ thứ 3 là Linezolid thì có hiệu quả.

Sau một tháng rưỡi điều trị, tốn gần 400 triệu đồng, bệnh nhân mới hồi phục gần như bình thường.

Phó GS. TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai nói, nhân trường hợp này chúng tôi cảnh báo tình trạng vi khuẩn kháng thuốc đã đến mức nguy hiểm. Bởi trước đây chỉ thấy những ca vi khuẩn kháng thuốc rất mạnh lây trong BV, mà chúng ta nói đã nhiều, thì đây là ca đầu tiên nhiễm trùng huyết do Tụ cầu khuẩn, biến chứng tràn mủ, tràn khí màng phổi mắc tại cộng đồng.

Theo các bác sĩ, Tụ cầu vào máu qua vết thương ở chân cháu L… BV Nhi đồng Cần Thơ đã ghi nhận 5 trẻ dưới 5 tuổi bị tiêu chảy do E.Coli (vi khuẩn đại tràng) kháng thuốc, trong đó 2 ca tử vong… Ngày càng có nhiều người nhiễm khuẩn gây viêm dạ dày (Helicobacter pylori – HP) kháng thuốc hoặc kháng ngay từ lần đầu dùng KS. Chị Trần Thị C, 25 tuổi, ở Tiền Giang, đau bụng lan ra sau lưng, cảm giác nóng rát sau xương ức, buồn nôn… đến phòng khám Tiêu hóa, BV Đại học Y dược TP HCM…, được chẩn đoán viêm dạ dày do HP nên chỉ định điều trị KS. Sau một tuần, đau và nôn ói không giảm, chị C tái khám.

Nội soi dạ dày, xét nghiệm HP huyết thanh… vẫn viêm dạ dày, HP dương tính. Làm KS đồ HP, phát hiện vi khuẩn đã kháng thuốc. Vi khuẩn HP là nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày – tá tràng ở người trưởng thành và được cho là gây ung thư dạ dày. HP kháng thuốc là khó khăn rất lớn cho điều trị viêm, loét dạ dày – tá tràng cũng như ngăn ngừa các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày và nguy hiểm hơn là ung thư dạ dày.

Có phải cơn ác mộng mà A. Fleming dự báo đã đến?

Đến nay loài người đang sử dụng 11 nhóm kháng sinh, một số nhóm có nhiều phân nhóm, một số nhóm và phân nhóm có thể có vài thế hệ, tức là con người đã có hàng trăm loại KS khác nhau và vẫn không mệt mỏi trên con đường nghiên cứu, điều chế những KS ngày càng diệt khuẩn mạnh hơn. Tuy nhiên vi khuẩn không phải là loại dễ dàng “bó tay chịu trói” mà chống cự quyết liệt bằng cả chục “phương sách” khác nhau, nhưng đáng sợ nhất là tạo ra gene kháng thuốc. Đã xác định được hai gene kháng thuốc là MCR1 và NDM1…

Năm 2010, ca tử vong đầu tiên trên thế giới do “siêu” vi khuẩn kháng thuốc là một người đàn ông Bỉ, sau khi bị tai nạn giao thông ở Pakistan và phải nằm viện ở đây. Từ đó, rất nhiều quốc gia xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc. Năm 2011, Hàn Quốc công bố tìm thấy vi khuẩn có gene MCR1…

Từ năm 2012 đến nay, phát hiện 52 người ở bang Victoria, Australia nhiễm chủng vi khuẩn Klebsiella Pneumoniae (gây viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm khuẩn máu, nhiễm trùng sơ sinh…) đã kháng phân nhóm KS mạnh nhất (Carbapenem) và 18 người tử vong vì vi khuẩn này. Tử vong khi phát bệnh do “siêu” vi khuẩn này ở Australia khoảng 50% và được cho là “đưa về” từ những người nằm viện ở Hy Lạp hoặc châu Á…

Tháng 11-2015, ở Trung Quốc phát hiện vi khuẩn mang gene kháng Colistin – KS mạnh nhất, “của để dành cuối cùng” khi vi khuẩn kháng hết KS – từ lợn, gia cầm và người. Các nhà khoa học lo ngại vì đã biết vi khuẩn có thể thu nhận, sao chép các gene kháng thuốc từ vi khuẩn khác, thậm chí khác loài. Lo ngại đã đến, sau Trung Quốc, đến Đan Mạch, Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Pháp và Algeria chung kết quả vào tháng 12-2015. Cũng tháng 12-2015, chủng vi khuẩn lậu HO41 (phát hiện năm 2013 ở một gái mại dâm người Nhật) kháng thuốc mạnh, lây lan nhanh, xuất hiện ở Leeds, Oldham, Macclesfield, Scunthorpe, London…, Anh.

Trước đây, vi khuẩn lậu dễ điều trị bằng hai loại KS kết hợp, thì nay một loại đã bị kháng, khiến giới BS lo ngại loại kia rồi sẽ mất tác dụng. Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo căn bệnh này rất dễ phát tán toàn cầu nếu KS không còn hiệu quả…. Tháng 1-2016, Canada tuyên bố phát hiện gen MCR-1 ở vi khuẩn…

Trước đó, Bộ Nông nghiệp nước này đã cùng Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ nghiên cứu một trường hợp nhiễm E. Coli mang gene MCR-1 ở lợn… Tháng 5-2016, các nhà nghiên cứu Viện Walter Reed Army – cơ sở y sinh lớn nhất Bộ Quốc phòng Mỹ, công bố: Một phụ nữ Mỹ đầu tiên, ở tiểu bang Pennsylvania, có trong nước tiểu loại vi khuẩn kháng tất cả KS, kể cả những thuốc dự phòng cho trường hợp vi khuẩn kháng hết các KS khác, mà thế giới hiện có.

Ngày 27-6-2016, người Mỹ thông báo trường hợp thứ 2 nhiễm “siêu” vi khuẩn kháng tất cả KS, khi phát hiện vi khuẩn E.Coli có gene MCR-1, ở một bệnh nhân người New York, làm cho chúng có khả năng kháng tất cả KS, kể cả Colistin. Liệu đây có phải khởi đầu “sự kết thúc đen tối” cho thời đại thuốc KS? Gần đây, đang lây lan rất nhanh loại vi khuẩn mang gene NDM-1, kháng lại cả phân nhóm Carbapenem – một trong những thuốc “để dành” khi vi khuẩn kháng đa thuốc.

Khởi đầu, các chủng vi khuẩn này chỉ có ở Ấn Độ, đến nay đã phát hiện ở Anh, Mỹ, Nhật Bản… Việt Nam cũng phát hiện một số vi khuẩn đường ruột mang gene NDM-1… Như vậy, không chỉ có một loại “siêu” vi khuẩn kháng thuốc… Theo Trung tâm Phòng chống bệnh tật châu Âu (ECDC), hàng năm châu Âu có trên 25.000 người chết vì nhiễm khuẩn kháng đa thuốc.

Ở Mỹ, vi khuẩn kháng KS gây bệnh cho ít nhất 2 triệu người và 23.000 người tử vong mỗi năm. Theo báo cáo của WHO, từ giữa năm 2014 đến nay, đã có hơn 1 triệu người tử vong do nhiễm “siêu” vi khuẩn kháng KS.

Tất cả do con người

Ở Mỹ, mỗi năm có tới 30% (khoảng 47 triệu) đơn thuốc kê KS không cần thiết; ở Indonesia, con số này là 50%. Ở Canada, mỗi năm có trên 50% đơn kê KS không cần thiết trong 25 triệu đơn KS. Theo nhiều thống kê thế giới, khoảng 40 – 75% dùng KS không hợp lý. WHO tổng kết: hiện nay, hầu hết các chủng vi khuẩn nguy hiểm, gây bệnh nặng đều kháng thuốc; khoảng 60% các ca nhiễm trùng BV do vi khuẩn kháng thuốc; các nhóm KS đều bị kháng; các KS mạnh đều bị kháng, trong khi mỗi ngày thế giới có hơn 1 triệu người nhiễm bệnh.

Theo Chương trình theo dõi kháng KS (ASTS) nước ta, từ năm 2006, gây nhiễm trùng BV (nhiễm khi nằm viện) là E.Coli, Trực khuẩn mủ xanh, Klebsiella, Acinetobacter (hiện chỉ lây nhiễm tại các khoa hồi sức tích cực, 80% gây bệnh là chủng A.Baumannii) và Tụ cầu vàng…, đến nay các vi khuẩn này đã kháng KS với mức cao nhất đến 93%.

Kê đơn KS không cần thiết, kê KS không đúng bệnh, dùng KS không đủ liều lượng ngày và đợt, bao gồm cả thiếu hàm lượng KS trong từng viên thuốc chính là cách thức con người “tập” cho vi trùng “quen” dần với KS, như tập đi cho trẻ!? Lần sau dùng lại KS đó tất chậm khỏi hoặc không khỏi. Sẽ không công bằng nếu không nói đến lượng KS khổng lồ cho chăn nuôi, bởi đây là một nguồn nguyên liệu vô cùng lớn để vi khuẩn “tập nhiễm” KS. WHO ước tính 50% thuốc KS dùng cho động vật.

Năm 2015, thế giới dùng khoảng 12.000 tấn KS cho chăn nuôi và dự kiến là 16.500 tấn năm 2021; 80% lượng KS ở Mỹ dùng cho động vật; hiện Trung Quốc là một trong những nước sản xuất và sử dụng Colistin nhiều nhất thế giới cho nông nghiệp. Giao thoa vi khuẩn giữa người và động vật qua môi trường là đương nhiên, vì thế, gene MCR1 xuất hiện phổ biến ở E.Coli trong mẫu thịt heo và gà tươi lấy trong 30 chợ và 27 siêu thị tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc năm 2011 – 2014, thì năm 2015 thấy ở E.Coli và Phế cầu khuẩn 16 ca nhiễm/1.322 bệnh nhân ở hai BV tỉnh Quảng Đông và Chiết Giang…

WHO xếp Việt Nam vào nhóm các nước KS bị kháng cao nhất thế giới, với 33% người mắc bệnh do nhiễm khuẩn kháng KS! Mua, bán KS như hàng xén (88% ở thành thị và 91% ở nông thôn bán KS không có đơn); ho, hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu… cũng KS; dược tá học vài tháng “kê” đơn hoặc tự kê đơn sau khi “hỏi BS googe”; kê KS bao vây; kê theo tâm lý bệnh nhân để lấy tiếng (kê ngay loại mạnh mà thực chất kê loại nhẹ vẫn khỏi), nên có loại KS, khi chúng ta dùng thế hệ 3 thì nhiều nước vẫn dùng thế hệ 1; quá nhiều KS cho chăn nuôi nên dư lượng KS trong thực phẩm cao… tất có hậu quả này, chưa kể độc, tác dụng phụ; giảm khả năng sinh tinh và gây quái thai do một số loại KS.

Từ năm 1987, thế giới không có thêm một KS mới nào, nhưng vi khuẩn “lạ” thì năm nào cũng xuất hiện. Kháng KS còn nguy hiểm hơn rất nhiều dịch bệnh và hiện tại đáng được coi là đại dịch. Chống lại nó rất khó nhưng không lẽ “ngồi chờ chết”. Chúng ta đã “lập lại trật tự” bán theo đơn các thuốc ngủ và an thần kinh, liệu có làm được với KS?

Bs. Nguyễn Kiên

There are no comments yet

Tin khác đã đăng