Tiếp cận Một sức khỏe

Khái niệm Một sức khỏe

Năm 2022, Hội đồng Chuyên gia Cấp cao về Một sức khỏe (OHHLEP) do FAO, OIE, WHO và UNEP thành lập đồng ban hành “Khung Chiến lược Phối hợp Hành động Phòng chống Kháng thuốc theo Tiếp cận Một sức khỏe” và đã thống nhất đưa ra khái niệm tổng quát mới về Một sức khỏe.

Trong đó, “Một Sức khỏe” (MSK) được hiểu là một cách tiếp cận phối hợp, thống nhất nhằm mục đích cân bằng bền vững và tối ưu hóa sức khỏe của con người, động vật và hệ sinh thái. Một sức khỏe ghi nhận sức khỏe của con người, động vật trong nước và hoang dã, thực vật, và môi trường rộng lớn hơn (bao gồm cả hệ sinh thái) có liên kết chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau. Phương pháp này tiếp cận huy động nhiều ngành, lĩnh vực và cộng đồng ở các tầng lớp xã hội khác nhau cùng làm việc để tăng cường sức khỏe và giải quyết các mối đe dọa đối với sức khỏe và hệ sinh thái, đồng thời giải quyết nhu cầu chung về nước sạch, năng lượng và không khí, thực phẩm an toàn và bổ dưỡng, hành động về biến đổi khí hậu và góp phần phát triển bền vững.

Hình 1. Một sức khỏe thúc đẩy một tương lai khỏe mạnh và bền vững thông qua sự hợp tác, giao tiếp, phối hợp và nâng cao năng lực đa ngành (Nguồn: OHJPA (2022 – 2026)).

Một sức khỏe tại Việt Nam

Tại Việt Nam, Đối tác Một sức khỏe chính thức được thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm 2016. Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (BNN&PTNT) cũng đã ban hành “Kế hoạch tổng thể thực hiện Khung đối tác Một sức khỏe về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người giai đoạn 2021 – 2025” tập trung vào các bệnh lây truyền từ động vật sang người và xem xét kháng kháng sinh (KKS) là ưu tiên hàng đầu trong 6 lĩnh vực trọng tâm của quan hệ đối tác này. Việc sử dụng cách tiếp cận Một sức khỏe trong sự hợp tác giữa các bộ ban ngành trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp và môi trường đã được đánh giá cao và hoàn toàn phù hợp với bối cảnh chung của thế giới.

Phòng chống kháng kháng sinh theo cách tiếp cận Một sức khỏe

Kháng kháng sinh (KKS) được công nhận là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Ước tính có khoảng 4,95 triệu người chết có liên quan đến KKS vào năm 2019, trong đó 1,27 triệu trường hợp tử vong do KKS. KKS cũng đe dọa sức khỏe của động vật và thực vật được trồng để làm thực phẩm, ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và môi trường. Kháng sinh đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe của con người, động vật và thực vật, cũng như an toàn thực phẩm và an ninh lương thực.

Năm 2015, Đại hội đồng Y tế Thế giới đã thông qua “Kế hoạch Hành động Toàn cầu về Kháng thuốc” do WHO phối hợp với FAO và OIE xây dựng. Trên cơ sở đó, các quốc gia cũng tiến hành xây dựng “Kế hoạch Hành động về KKS theo tiếp cận Một sức khỏe (MSK)”, trong đó Việt Nam là một trong quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á Thái Bình Dương xây dựng “Kế hoạch Hành động KKS theo tiếp cận đa ngành, giai đoạn 2013-2020”. Năm 2022, Khung Chiến lược Phối hợp Hành động Phòng chống Kháng thuốc theo Tiếp cận Một sức khỏe giai đoạn 2022-2026 đã đề cập rằng kháng thuốc được coi là “đại dịch thầm lặng” đặc biệt là thời kỳ hậu COVID 19. Việt Nam cũng là nước đầu tiên trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương thông qua Kế hoạch Hành động KKS theo tiếp cận đa ngành, giai đoạn 2013-2020 và hiện đang trình thủ tướng phê duyệt Chiến lược quốc gia 2023-2030, tầm nhìn tới năm 2045.

Hình 2. Một sức khỏe trong bối cảnh Kế hoạch Hành động Toàn cầu về kháng thuốc.

Khung Chiến lược Phối hợp Hành động Phòng chống Kháng thuốc theo Tiếp cận Một sức Khỏe của FAO, OIE, WHO và UNEP (2022) được tóm tắt như sau:

Cơ chế vận hành tiếp cận Một sức khỏe tại Việt Nam

Tại Việt Nam, công tác phối hợp liên ngành đã được triển khai từ rất sớm thông qua cơ chế điều phối của các Ban chỉ đạo (BCĐ) như BCĐ phòng chống đại dịch SARS (2003), BCĐ phòng chống cúm gia cầm (2005), Đối tác MSK (2016). Trong phòng chống kháng thuốc, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống kháng thuốc cũng đã được thành lập trong giai đoạn 2016 – 2020 và giai đoạn 2020 – 2025 thông qua cơ chế điều phối quốc gia giữa các bộ ngành và kết hợp với sự tham gia của các tổ chức quốc tế.

Các đối tác tham gia phòng chống kháng kháng sinh theo cách tiếp cận Một sức khỏe

Nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thú y Thế giới (OIE), CDC, FHI 360… đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện cách tiếp cận “Một Sức Khỏe” trong việc phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam. Những đối tác này không chỉ góp phần cung cấp chuyên môn và hỗ trợ tài chính, mà còn giúp nâng cao hệ thống phòng chống kháng kháng sinh ở cả cấp quốc gia và địa phương.