Kháng thuốc và vấn đề hội nhập
Kháng thuốc và vấn đề hội nhập
Như chúng ta đều biết thuốc kháng sinh ra đời từ những năm đầu của thập kỷ 40, là bước ngoặt lớn trong lịch sử y học nhân loại. Kháng sinh giúp cứu sống hàng triệu người mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn như lao, viêm phổi, bạch hầu, viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết,…Tuy nhiên do quá trình chọn lọc tự nhiên của vi khuẩn cũng như việc sử dụng kháng sinh không đúng của con người như dùng không đủ liều, quá liều, không phù hợp với căn nguyên gây bệnh,…và lạm dụng kháng sinh trong y tế, trong nông nghiệp là một trong nhiều nguyên nhân làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh. Chi phí y tế, tác động kinh tế, xã hội cũng như gánh nặng bệnh tật và tử vong do kháng thuốc ngày càng tăng.
Năm 2011, nhân ngày sức khỏe thế giới 07/4/2011, để ứng phó với vấn đề này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lấy khẩu hiệu: “không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” để kêu gọi các quốc gia cùng chung tay phòng, chống kháng thuốc.
Việt Nam đã hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi trên và là một trong 6 nước đầu tiên trong khu vực châu Á Thái Bình Dương đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 với sự tham gia của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy: người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Tại Châu Âu: số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25.000 người/năm, Thái Lan, tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm, ở Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm.
Điều này tác động đến kinh tế, xã hội hết sức to lớn (ở Mỹ chi phí trực tiếp hơn 20 tỷ đô la/năm và chi phí gián tiếp hơn 30 tỷ đô la/năm) đặc biệt ở các nước nghèo, kém phát triển.
Tình trạng kháng thuốc kháng sinh gây tác động lớn đến nền kinh tế, sự phát triển chung của xã hội không chỉ riêng đối với Việt Nam mà còn tác động đến tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay.
Vì vậy, tháng 5/2015, Đại hội đồng Y tế thế giới đã phê duyệt nghị quyết số 68 về Kế hoạch toàn cầu phòng, chống kháng thuốc. Kế hoạch này phản ánh quan ngại sâu sắc của các nước thành viên về vấn đề kháng thuốc đối với sức khỏe con người trong tương lai. Mục tiêu chung của Kế hoạch này là duy trì hiệu quả điều trị của các kháng sinh hiện có bằng cách sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Một trong 5 mục tiêu chiến lược của Kế hoạch này là tăng cường cung cấp bằng chứng thông qua đẩy mạnh chương trình giám sát và nghiên cứu toàn cầu về kháng thuốc.
Tháng 5/2015, các thành viên của Tổ chức sức khỏe động vật thế giới (OIE) đã thông qua nghị quyết về phòng, chống kháng thuốc và tháng 6/2015, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO) cũng đã thông qua nghị quyết tương tự về phòng, chống kháng thuốc.
Như vậy 3 Tổ chức này (WHO – FAO – OIE) đã cùng hợp tác để thực hiện Kế hoạch phòng, chống kháng thuốc theo hướng tiếp cận “Một sức khỏe” (“One health” approach).
Đối với Việt Nam, sự cam kết đa ngành này được thể hiện trong “Văn bản thỏa thuận cam kết đa ngành về phòng, chống kháng thuốc” được ký kết vào tháng 6/2015 giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức quốc tế (WHO, FAO, OUCRU) và các đối tác phát triển (Mỹ, Nhật Bản, Anh, …).
Từ đó đến nay, Việt Nam đã triển khai đẩy mạnh nhiều hoạt động như:
- Thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng/chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 (Quyết định số 879/QĐ-BYT ngày 13/3/2014 gồm đại diện của 2 Bộ: Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quyết định số 5888/QĐ-BYT ngày 10/10/2016 bao gồm đại diện của cả bốn Bộ: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường).
- Thành lập 09 Tiểu ban giám sát kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 (Quyết định số 2888/QĐ-BYT ngày 05/8/2014).
- Thiết lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của mạng lưới giám sát vi khuẩn kháng thuốc trong các cơ sở khám, chữa bệnh (Quyết định số 6211/QĐ-BYT ngày 17/10/2016).
- Thành lập Đơn vị giám sát kháng thuốc Quốc gia trực thuộc Cục QLKCB (QĐ số 3391/QĐ-BYT ngày 14/8/2015).
- Ngoài ra, Bộ Y tế còn xây dựng và ban hành nhiều văn bản pháp quy, tài liệu chuyên môn, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về vi sinh, về quản lý sử dụng kháng sinh.
- Bộ Y tế đã đẩy mạnh nhiều hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng và cán bộ y tế về kháng sinh và kháng thuốc: xây dựng tờ rơi, sổ tay, pano, áp phích, thông điệp truyền thanh, thông điệp truyền hình, video clip,…về kháng sinh và kháng thuốc; tổ chức phát động ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trong các cơ sở y tế, tại các cơ quan quản lý, trên trang fanpage về kháng thuốc và thực hiện tuần lễ truyền thông về kháng thuốc vào tháng 11 hằng năm.
Việt Nam đã và đang tích cực hội nhập quốc tế như tham gia vào Dự án tăng cường an ninh y tế toàn cầu (GHS – Global Health Security); tăng cường ứng phó với nguy cơ dịch bệnh toàn cầu, thúc đẩy bảo hiểm y tế hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân (UHC- Universal Health Coverage) đến năm 2030; cải thiện, thúc đẩy mô hình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; cam kết cùng các nước trên thế giới thực hiện phòng, chống kháng thuốc một cách mạnh mẽ.
Tháng 4/2016, tại Nhật Bản, Bộ trưởng Y tế Việt Nam cùng với các Bộ trưởng Y tế và Nông nghiệp của 14 nước khu vực châu Á Thái Bình Dương cùng thảo luận và thông qua Tuyên bố chung Tokyo về phòng, chống kháng thuốc.
Tháng 9/2016, tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Lãnh đạo các nước đã kêu gọi và duy trì sự cam kết chính trị mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, khu vực và các nước đẩy mạnh chương trình phòng, chống kháng thuốc và nâng cao nhận thức về kháng thuốc.
Kháng thuốc được ASEAN xem là 1 trong 10 lĩnh vực ưu tiên trong chương trình phát triển y tế sau 2015 và tháng 11/2016, Việt Nam cùng các nước ASEAN thảo luận về Tuyên bố chung ASEAN về phòng, chống kháng thuốc. Cũng tại diễn đàn này tháng 5/2017 tại Philippines, Việt Nam cùng với các nước ASEAN tiếp tục thảo luận để thông qua Tuyên bố chung ASEAN về kháng thuốc.
Cùng với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam mong muốn được góp một phần công sức vào công cuộc phòng, chống kháng thuốc chung của khu vực Châu Á Thái Bình Dương và của toàn cầu.