Hệ thống giám sát KKS

Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc trong y tế

Giám sát AMR là một công cụ thiết yếu để hình thành chính sách và các đáp ứng trong phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng. Giám sát là nền tảng để đánh giá sự lan rộng của AMR và theo dõi tác động của các chiến lược ở địa phương, quốc gia và toàn cầu. Ngày 22 tháng 10 năm 2015, WHO đã công bố Hệ thống Giám sát toàn cầu về Sử dụng và Sự đề kháng các thuốc kháng vi sinh vật (Global Antimicrobial Resistance and Use Surveillance System-GLASS), một nỗ lực hợp tác toàn cầu đầu tiên nhằm chuẩn hóa giám sát AMR. Theo báo cáo GLASS 2021, thông tin tổng hợp từ báo cáo giám sát AMR là nền tảng để xây dựng chính sách, đưa ra các can thiệp bao gồm nâng cao năng lực phòng xét nghiệm, thúc đẩy chương trình quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, quản lý chuỗi cung ứng thuốc và kiểm soát nhiễm khuẩn. Giám sát AMR cũng là công cụ không thể thiếu để theo dõi những chủng kháng thuốc mới và đánh giá hiệu quả của các chiến lược nhằm ngăn chặn và giảm thiểu kháng thuốc.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã xác định phòng chống AMR  là một trong những mục tiêu ưu tiên của ngành y tế. Kế hoạch hành động quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2013 – 2020 đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt. Một trong 06 mục tiêu cụ thể trong Kế hoạch hành động là  “Tăng cường, hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc”.  Với mục tiêu thu thập, phân tích và chia sẻ dữ liệu đã được chuẩn hóa nhằm đưa ra các khuyến cáo hành động ở cấp địa phương, quốc gia, và toàn cầu để giảm thiểu tình trạng AMR, Hệ thống giám sát quốc gia về kháng kháng sinh (Viet Nam Antimicrobial Resistance Surveillance System – viết tắt là VNASS) gồm 16 bệnh viện trên toàn quốc đã được thiết lập và triển khai từ năm 2016 theo Quyết định số 6211/QĐ-BYT ngày 17/10/2016 (gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Xanh Pôn – Hà Nội, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí – Quảng Ninh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp – Hải Phòng, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ).

Việc triển khai giám sát kháng thuốc được thực hiện theo Hướng dẫn thực hiện giám sát quốc gia về kháng kháng sinh được Bộ Y tế ban hành từ năm 2019 (theo Quyết định số 127/QĐ-BYT ngày 15/01/2019). Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong Hệ thống đã sử dụng quy trình chuẩn trong Hướng dẫn này để tổng hợp, phân tích dữ liệu về thử nghiệm mức độ nhạy cảm kháng sinh (AST) từ chủng phân lập. Đơn vị điều phối giám sát kháng thuốc (viết tắt là Đơn vị AMR) tại Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã được thiết lập, làm đầu mối thiết lập và triển khai các hoạt động để củng cố Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc, đồng thời thu thập dữ liệu từ 16 bệnh viện. Trong giai đoạn này, tập trung vào giám sát kháng kháng sinh trong lĩnh vực y tế. Từ năm 2021, Việt Nam đã chính thức tham gia Hệ thống GLASS của WHO.

Qua các năm, dữ liệu giám sát kháng kháng sinh đã dần được đầy đủ và chuẩn hóa. Với những nỗ lực không ngừng của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và 16 Bệnh viện trong Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc, đến năm 2020, dữ liệu của Hệ thống giám sát quốc gia đã được sử dụng phân tích và báo cáo. Báo cáo Giám sát kháng thuốc tại Việt Nam năm 2020 là báo cáo đầu tiên được xây dựng về giám sát kháng kháng sinh trên cơ sở tổng hợp dữ liệu ở cấp quốc gia. Kết quả báo cáo cung cấp những thông tin hữu ích về những vấn đề cốt lõi cần quan tâm về tình hình kháng kháng sinh trên toàn quốc cho các nhà hoạch định chính sách, nghiên cứu, đào tạo, bệnh viện, các tổ chức, cá nhân liên quan.

Từ năm 2022, Bộ Y tế củng cố Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc của các vi sinh vật nhằm tăng cường tính đại diện và chất lượng dữ liệu, đánh giá gánh nặng của AMR, mở rộng giám sát sự AMR, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật, cải thiện việc sử dụng dữ liệu giám sát và tạo điều kiện thuận lợi cho mối liên kết giám sát AMR ở người, động vật và môi trường. Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc đã được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 2775/QĐ-BYT ngày 10/10/2022. Theo đó, các đơn vị tham gia trong hệ thống giám sát kháng thuốc gồm 54 bệnh viện, bao gồm bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (ngoại, phụ sản, nhi, phổi, da liễu, bệnh nhiệt đới, ung bướu, huyết học truyền máu), bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh, thành phố, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các Bộ khác, công lập và tư nhân.

Bộ Y tế đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh,16 Bệnh viện và các đối tác quốc tế (Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật CDC Hoa Kỳ, Fleming Fund, Tổ chức FHI360, Tổ chức PATH, Hiệp hội Vi sinh Hoa Kỳ, Trung tâm Hợp tác của WHO về Giám sát Kháng kháng sinh tại Bệnh viện Phụ nữ và Brigham…) trong củng cố Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc. Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các tổ chức và cá nhân đã giúp đỡ để củng cố Hệ thống giám sát kháng kháng sinh và đóng góp vào việc thu thập, phân tích dữ liệu, xây dựng và hoàn thiện Báo cáo Giám sát kháng thuốc tại Việt Nam năm 2020.